Bệnh tâm thần: ‘Kẻ thù vô hình’ suốt nửa thế kỷ của người gốc Việt (kỳ 2)
The story was originally published in Nguoi Viet with support from the 2023 Impact Fund for Reporting on Health Equity and Health Systems.
Hình minh họa: Người Việt
Muôn hình, vạn trạng
Bệnh tâm thần đa dạng, muôn hình vạn trạng, và tồn tại ở nhiều cấp khác nhau. Bác Sĩ Giao Nguyễn nói: “Trầm cảm là một dạng tâm thần. Rối loạn sau chấn thương tâm lý (PTSD) là một dạng tâm thần. Lo lắng cũng là một dạng tâm thần. Nghiện ngập cũng là một dạng tâm thần.”
Khi đề cập cụ thể về cộng đồng gốc Việt ở Little Saigon, Bác Sĩ Giao Nguyễn nói: “Bốn mươi phần trăm nguyên nhân là từ môi trường. Chúng tôi, vì trong đó có tôi, khi đặt chân đến Mỹ, gặp rất nhiều áp lực trong cuộc sống. Không biết ngôn ngữ, không biết văn hóa, không bạn bè, không gia đình, không gì cả. Tất cả là hai bàn tay trắng. Đó là một áp lực rất lớn đã, đang, và sẽ gây ra nhiều loại bệnh tâm thần cho những người phải trải qua những điều đó.”
Cũng cần nhắc lại ngắn gọn về lịch sử tị nạn của dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu của trang migrationpolicy.org chia lịch sử tị nạn và di cư của người Việt ra thành ba giai đoạn chính. Giai đoạn đầu tiên là năm 1975 khi Sài Gòn thất thủ. Cuối những năm 1970, làn sóng thứ hai được gọi là cuộc khủng hoảng tị nạn “thuyền nhân.” Làn sóng thứ ba diễn ra ở những năm 1980 và 1990. Sau giai đoạn này, cộng đồng người Việt ở Mỹ tiếp tục phát triển với giai đoạn nhập cư, là những người đến Mỹ theo diện bảo lãnh thân nhân, hoặc du học sinh.
Sự thật là cho dù làn sóng di dân nào, phần lớn người mới qua Mỹ đều có cùng một hoàn cảnh là không biết ngôn ngữ, ít bạn bè, ít giao tiếp, không biết nhiều về xã hội.
“Họ rất cô đơn. Sự cô đơn ấy tích tụ lại theo thời gian, dẫn đến trầm cảm, bệnh tâm thần,” Bác Sĩ Giao Nguyễn nói. “Sự cô đơn là một vấn đề rất đáng quan tâm trên cả thế giới. Thật ra, ‘cô đơn’ đã và vẫn đang là một trong những sát thủ vô hình của cộng đồng Việt tị nạn.”
Hình: Giao Nguyễn cung cấp
Ba chữ “bệnh tâm thần,” theo Bác Sĩ Giao Nguyễn, có thể dễ dàng nói ra từ những người chưa có khái niệm đúng về mặt khoa học, nhưng với y học, không phải bất kỳ hiểu hiện nào “bất bình thường” cũng bị cho là bệnh tâm thần.
“Nó từ những triệu chứng nhẹ, rồi đến trầm cảm, cho đến cao nhất là người đó muốn tự tử,” ông nói.
Khi được hỏi như thể nào là triệu chứng nhẹ mà người có vấn đề về sức khỏe tâm lý gặp phải, ông trả lời: “Họ cảm thấy ăn không được, ngủ không được, lúc nào cũng thấy buồn bã. Thậm chí có người khi ngủ thấy ác mộng về những cảnh khi vượt biên, những lần ăn thịt người để tồn tại, ác mộng về những cuộc tra tấn trong trại cải tạo.”
“Như chính cá nhân tôi từng gặp ác mộng. Khi nghe sẽ rất buồn cười nhưng đối với tôi, đó từng là ác mộng. Tôi mơ thấy không biết mình phải làm thế nào để trả tiền đi học,” ông kể lại với một nụ cười sảng khoái, về một áp lực trong quá khứ.
Bệnh tâm thần rất đa dạng. Nó vô hình, vạn trạng. Trong căn phòng nhỏ ấm cúng của Southland Integrated Services, Garden Grove, California, Bác Sĩ Suzie Đông chia sẻ, khoảng 10 năm trở lại đây, những “người khách,” theo cách gọi rất thân tình của cô, tìm đến để được tư vấn nhiều hơn.
“Nguyên nhân chính là khi người ta thấy sống không có được những chức năng như những người khác. Đi làm bị ảnh hưởng. Đi học bị ảnh hưởng vì tài chính bị mai một. Hay họ gặp chuyện gia đình, hoặc họ không tiến thân được vì nhiều lý do,” Bác Sĩ Suzie nói.
Hình: Chụp qua màn hình
Ông Michel Quân Nguyễn, cư dân Santa Ana, một thành viên rất tích cực của Hội Sức Khoẻ Tâm Thần Việt Mỹ (VAMHA), tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ cộng đồng Việt trong vấn đề sức khoẻ tâm thần, kể lại câu chuyện của chính gia đình ông.
“Vợ tôi có những triệu chứng như mỗi khi không vui hay không đồng ý chuyện gì đó là bà ấy la hét, đập đồ. Mỗi lần như thế, tôi im lặng không nói gì, vì khi tôi nói lại, bà ấy phản ứng nặng hơn. Tôi biết đó là một triệu chứng của bệnh tâm thần,” ông chia sẻ.
Vợ chồng ông Quân sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Như vậy, cả ông lẫn bà đều không trải qua những “bi kịch” của vượt biên. Khi được hỏi liệu bà có những chấn thương tâm lý gì trong quá khứ hay không, ông nói: “Gia đình bà ấy có những nỗi buồn, tôi không biết có phải những mất mát đó làm cho vợ của tôi có triệu chứng như vậy hay không. Có thể những sự kiện xảy ra trong cuộc đời đã ảnh hưởng đến bà. Ví dụ như bị người em dâu đuổi ra khỏi ngôi nhà của cha mẹ để lấy nhà, phải vào chùa ở. Rồi thứ hai, gia đình bà theo đạo Phật, tôi là người Công Giáo. Khi bà ấy đồng ý lấy tôi, cả gia đình bà ấy chống đối. Có thể bà đã bị áp lực từ gia đình, bị đè nén trong lòng từ lâu. Bây giờ nó bộc phát ra.”
Từ khi ông quen rồi cưới bà, ông hiểu hoàn cảnh gia đình nên ông yêu thương, che chở cho bà. Cứ như thế hơn 10 năm qua kể từ khi bà phát bệnh, ông Quân thấu hiểu và chấp nhận tình trạng sức khỏe của người vợ và hết mực yêu thương chăm sóc bà.
Mọi triệu chứng, cường độ của bệnh tâm thần đều có thể xuất hiện ở mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh với mỗi câu chuyện khác nhau. Một người chăm sóc người thân bị bệnh cũng có thể trở thành một người có vấn đề sức khoẻ tâm lý. Câu chuyện của bà Phan Chiêu Hà, 80 tuổi, cư dân Westminster, là một ví dụ.
Bà kể lại câu chuyện đời mình: “Tôi chăm sóc chồng tôi, 87 tuổi, đã 18 năm rồi. Ông ấy bị chứng đãng trí. Bước đầu nhẹ thôi nhưng mỗi giai đoạn mình có một cái khổ khác nhau. Giai đoạn đầu ông ấy chỉ cáu kỉnh, khó chịu, gắt gỏng, bắt mình cái này cái kia. Lúc đầu, ông không biết mình mắc bệnh. Tôi cũng không biết. Vì không biết nên mình bị thất vọng.”
Bà thất vọng vì “ông chồng ngày xưa đâu phải người như vậy. Bây giờ tự nhiên ổng lại thay đổi. Cho nên, buồn lắm.”
Và sự thật là, “đã ba lần tôi muốn chết, vì mọi chuyện nó ngoài sức tưởng tượng của mình,” bà kể.
Hình: Kalynh Ngô/Người Việt
Di truyền đến thế hệ sau
“Sáu mươi phần trăm còn lại của nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần là do di truyền,” Bác Sĩ Giao nói.
Ông giải thích: “Từ khoảng hai đến ba chục năm trở lại đây, người ta nghiên cứu và thấy rằng những áp lực trong cuộc sống có thể làm thay đổi DNA của con người, thay đổi những căn bản trong nhiễm sắc thể di truyền từng chút một. Sự thay đổi trong DNA đó diễn ra từng chút từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tính di truyền của bệnh tâm thần chiếm đến 60% nguyên nhân gây bệnh.”
Giải thích về sự di truyền ở góc độ khác của chuyên môn, Bác Sĩ Clayton Châu nói: “Khi cha mẹ bị trầm cảm, không đi chữa trị, ảnh hưởng đến vấn đề nuôi dạy con cái. Họ quá gắt với con cái vì họ không hiểu được nỗi lòng của con mình, xảy ra sự xa cách giữa cha mẹ với con. Những đứa trẻ thế hệ sau bị trầm cảm vì lớn lên trong một môi trường có cha mẹ bị trầm cảm.”
Đây chính là “sự tương tác” không cố ý của những vết thương tâm lý từ thế hệ trước lan truyền đến thế hệ sau mà Bác Sĩ Suzie Đông đề cập trong bài thứ nhất.
Bà giải thích thêm: “Có những bạn trẻ đến gặp tôi là những người chịu rất nhiều tương tác trong môi trường gia đình từ nhỏ đến lớn, có bạn từng bị bạo hành. Do đó, sang chấn từ thế hệ này sang thế hệ khác là điều khoa học đã chứng minh và chúng ta cũng hiểu được. Bạo hành ở đây có thể về tinh thần, tình cảm, gây ra những vết thương lòng.”
Khác biệt thế hệ
“Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến vấn đề sức khỏe tâm lý ở thế hệ trẻ sau này là ‘khác biệt thế hệ,’” Bác Sĩ Clayton Châu nói. “Với thế hệ sau, họ lớn lên trong sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, một của xã hội họ trưởng thành, hai là của xã hội thuộc về thế hệ cha mẹ của họ.”
Bài nghiên cứu “Conversations on Mental Wellness in Vietnamese American Coummunity” của hai tác giả Linda Vũ và Laura Quỳnh Như Nguyễn thực hiện năm 2021, đăng tải trên Asian American Reasearch Journal của đại học UC Berkeley, chỉ ra: “Nhiều sinh viên người Mỹ gốc Việt là người đầu tiên trong gia đình vào đại học nên áp lực cũng tăng thêm do kỳ vọng vào sự thành công từ cha mẹ họ. Vì vậy, số lượng lớn người mắc bệnh tâm thần có thể chủ yếu là do những kỳ thị về sức khoẻ tinh thần và những giá trị nằm sâu trong văn hóa và lịch sử của người Việt ở Mỹ.”
Không thể phủ nhận rằng cụm từ “ráng học để thành kỹ sư, bác sĩ” là một “nét đặc trưng” của văn hóa gia đình Việt Nam. Theo Bác Sĩ Giao Nguyễn, đó chính là một áp lực vô cùng to lớn làm cho người trẻ bị những vấn đề sức khoẻ tâm thần.
Ông nói: “Gia đình họ kỳ vọng vào họ bao nhiêu thì họ bị áp lực bấy nhiêu. Điều đó dẫn đến những lần nói dối và cảm giác có tội, rồi gây ra trầm cảm.”
Khi cha mẹ, tức thế hệ thứ nhất, kỳ vọng vào con cái, điều này gần như đồng nghĩa với việc họ luôn cố gắng làm để “đủ tiền cho con ăn học.” Câu chuyện dưới dây được kể lại từ chính người trong gia đình cho thấy sự kỳ vọng và khác biệt văn hóa gây ra hậu quả không nhỏ cho sức khoẻ tâm thần của cả một gia đình tị nạn.
Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu người kể lại.
Cách đây khoảng ba năm, trong cộng đồng người Việt nhỏ bé ở tiểu bang Arkansas, không ai không biết đến tên Tammy Nguyễn, sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Cô là con một gia đình di dân vào cuối những năm 1980. Thành tích học tập của cô luôn ở “top” của thành phố. Đường học vấn cao rộng trải dài trước mắt. Tammy là niềm hãnh diện của gia đình cô, là bác sĩ tương lai của dòng họ.
Cha mẹ của Tammy, ông bà Tâm Nguyễn, là công nhân làm hãng từ ngày đầu họ đặt chân đến Mỹ. Theo lời kể của người trong gia đình, ông bà làm hai việc. Làm ngày làm đêm, thậm chí hiếm khi lấy ngày nghỉ. Gần 30 năm ở Mỹ, cả gia đình chưa lần nào có chuyến du lịch chung. Đối với ông bà, đi làm có tiền để sinh sống và tiết kiệm là quan trọng nhất.
Nghịch cảnh cũng từ đó xảy ra. Những triệu chứng sa sút tinh thần ở cô gái trẻ xảy ra mà gia đình không hề hay biết. Cho đến một ngày, Tammy không trở về nhà nữa. “Tammy tham gia một nhóm hội nào đó, mà cả cha lẫn mẹ cô cũng không vào gặp được, và chính cô cũng không muốn gặp,” người trong gia đình kể lại.
“Có vài lần tôi nhận được điện thoại từ bệnh viện nói con tôi muốn tự tử. Tôi chạy vào, cũng không thể nói được gì với nó,” ông Tâm kể.
Tammy chấm dứt tất cả liên lạc với gia đình, dòng họ. Cả khi trở về nhà, cô cũng không về với cha mẹ, mà ở với một người bà con. Dĩ nhiên, cánh cửa tương lai rạng rỡ của cô bác sĩ tương lai cũng đóng sập.
Không riêng Tammy, giữa anh và chị cô với cha mẹ cũng có một “khác biệt thế hệ” rất lớn. Ông bà Tâm Nguyễn chưa bao giờ có được một cuộc trò chuyện thân tình với các con của mình.
“Tụi nó lớn lên nói tiếng Anh, đến khi kết hôn cũng không lấy người Việt. Tui muốn cùng ngồi ăn cơm với các con, nói chuyện với các con, nhưng chẳng bao giờ được,” bà Tâm nói.
Cho đến hiện tại, cô gái thông minh một thời Tammy Nguyễn vẫn sống “mơ hồ” trong gia đình người quen, tuyệt nhiên không liên lạc với cha mẹ. Ông bà Tâm Nguyễn vẫn ngày ngày đi làm hãng tám tiếng. Căn nhà rộng thênh thang, không tiếng cười. Căn phòng của Tammy vẫn giữ nguyên cách bài trí khi cô còn ở nhà.
“Khác biệt thế hệ” trong chính gia đình của mình, mâu thuẫn văn hóa trong môi trường mình đang sống, dẫn đến nhiều hệ luỵ, trong đó có sự cô đơn.
Bác Sĩ Giao Nguyễn nói rằng: “Sự cô đơn là một vấn đề lớn trong xã hội bây giờ. Nghiên cứu cho thấy rất nhiều người dân trên thế giới nói chung và ở Mỹ nói riêng hiện đang sống trong sự cô đơn. Nó là một ‘bệnh dịch.’ Nó đưa đến những biểu biện của bệnh tâm thần và thể chất. Sự tàn phá của nó tương đương với việc hút một ngày 10 điếu thuốc.” [đ.d.]